Ung thư tai

Bệnh ung thư tai ít gặp trong Tai Mũi Họng, có thể gặp u ác tính ở tai ngoài hoặc tai giữa.

1. Ung thư tai ngoài

Thường gặp ở người 40-50 tuổi, nam giới nhiều hơn nữ giới.

a. Triệu chứng

Triệu chứng khởi phát thường nghèo nàn, không được biết đến. Mới đầu chỉ là hột hoặc sùi nhỏ ở vành tai, dáy tai hay ở nắp tai. Sùi ngày càng to và lan rộng ra làm thâm nhiễm ở quanh, sau thành sùi loét, hoại tử kèm theo bội nhiễm.

Đau tai: lúc đầu đau, không rõ, khi đã sùi loét thì đau là triệu chứng chính: đau dữ đội, đau lan ra gây nhức 1/2 đầu, nặng nhất là khi u lan vào ống tai gây đau dữ dội, ảnh hưởng đến nhai.

U cũng dễ chảy máu, ít thấy di căn hạch.

U ở vành tai tiến triển chậm và lành hơn u ở ống tai.

U thường lan vào thùng tai, cổ, vùng chẩm, và vào nội sọ.

b. Chẩn đoán

Dựa vào tính chất sùi loét và thâm nhiễm của khối u. Làm sinh thiết cho thấy chủ yếu là dạng biểu bì hiếm gặp dạng tổ chức liên kết.

c. Điều trị

Chủ yếu là tia xạ. Nếu u ở vành, nắp tai thì có thể phẫu thuật lấy bỏ kết hợp với tia xạ đem lại kết quả tốt. Nếu u ở ống tai thì kết quả tia xạ rất hạn chế.

2. Ung thư tai giữa

Đây là bệnh cũng thường gặp ở người nhiều tuổi, trung bình ở tuổi 50, tỷ lệ giữa nam giới và nữ giới ngang nhau, chủ yếu gặp dạng carcinoma (cac-xi-nôm).

a. Triệu chứng

Hay gặp ở những trường hợp chảy mủ tai mạn hoặc trường hợp đã phẫu thuật xương chũm.

Với các triệu chứng sau:

+ Chảy tai thường lẫn máu, có máu đen trong tai và có mùi hôi rõ.

+ Người bệnh nghe kém thể tiếp âm, ngay cả khi tai trong chưa bị ảnh hưởng; không có dấu hiệu tiền đình.

+ Đau tai mới đầu có thể ít nhưng sau đó đau dữ dội, đau lan ra nửa đầu là triệu chứng quan trọng.

+ Khám tai thấy thùng tai có polyp hay tổ chức sùi, khi chạm vào rất dễ chảy máu; sùi có thể lan ra tận ông tai ngoài.

+ Liệt mặt ngoại biên thường ở giai đoạn muộn nhưng cũng có trường hợp xuất hiện khá sớm.

– U có thể lan theo những hướng khác nhau:

+ Lan ra ngoài tới tận ống tai ngoài, sau lan vào tuyến mang tai hay vùng chũm sau tai.

+ Lan ra sau vào sào đạo, sào bào và xương chũm.

+ Ra trước tới vòi Eustachi và theo vòi đến vòm mũi họng.

+ Xuống dưới đến tĩnh mạch cảnh.

+ Lan lên trên vào hố não giữa.

+ Vào trong đến tai trong và góc bướm – đá.

– Di căn hạch có chậm, thường là nhóm hạch sau họng.

– Ở giai đoạn cuối thì có thể gặp tổn thương các dây thần kinh sọ não khác.

b. Chẩn đoán

– Khi thấy có tổ chức sùi dễ chảy máu trong thùng tai, kèm đau dữ dội, nghe kém tiếp âm cần làm sinh thiết để xác định.

– Chụp X-quang thấy có dấu hiệu phá hủy thành xương thùng tai (tư thế Chaussée III).

– Sinh thiết: làm giải phẫu bệnh lý để chẩn đoán phân biệt với lao tai, u cuộn cảnh.

c. Điều trị

– Tia xạ: thường dùng quang tuyến X và cobalt (coban) để hạn chế thâm nhiễm, giảm đau, kết hợp với phẫu thuật.

– Phẫu thuật: thực hiện khoét chũm tiệt căn nhằm lấy hết khối u, dẫn lưu tốt, giảm đau và chảy máu cho người bệnh, tạo điều kiện để tia xạ có hiệu quả.

d. Tiên lượng

Tiên lượng xấu, ngay tại các trung tâm trị liệu thì tỷ lệ sống sau 5 năm cũng dưới 1/4. Bệnh nhân tử vong do u lan lên màng não, não, suy kiệt.

CẦN NHỚ

Bệnh ung thư tai thường thấy:

– Chảy mủ tai thối, có lẫn máu.

– Người bệnh đau tai rõ rệt, nhức nửa đầu.

Có tổ chức sùi, có hoại tử, dễ chảy máu.

Di căn hạch thường chậm.

Trả lời