Rối loạn chức năng ngửi gồm có: giảm, mất ngửi và loạn khứu gây ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, tiêu hóa, sức khỏe.
1. Cần thực hiện
a. Hỏi bệnh
Hỏi bệnh để xác định:
– Rối loạn ngửi từ nhỏ hay mắc phải?
– Thời gian bắt đầu: mới bị hay đã bị từ lâu, bị sau các chấn thương, thương tổn sọ não hay sau các bệnh nhiễm khuẩn lây?
– Bị giảm ngửi, mất, hay loạn khứu?
– Nếu loạn khứu thì thường thấy có mùi gì, chỉ luôn ngửi thấy 1 mùi hay là thay đổi lúc mùi này, lúc mùi khác?
– Bị thường xuyên hay bị từng lúc, rối loạn có tăng dần hay không?
– Ngoài rối loạn ngửi thì có kèm theo các triệu chứng khác không?
– Đối với giảm, mất ngửi thì cần phải hỏi xem có ngạt, tắc mũi, chảy mũi không và có cùng diễn biến với các chứng này không?
– Có bị viêm mũi, xoang, trĩ mũi…không?
b. Khám
– Thực thể: phát hiện những khối u, sẹo dính gốc mũi, dị hình vách ngăn cao, những bệnh tích như mủ đọng ở các khe, sàn mũi, vảy trong hốc mũi, thoái hóa hoặc teo cuốn mũi.
– Chức năng:
+ Trước hết cần cho bệnh nhân ngửi các chất kích thích như amoniac, formol… xem còn tiếp nhận không.
+ Cho ngửi những chất có mùi thông thường với các nồng độ khác nhau.
+ Lưu ý: không cho bệnh nhân thấy chất ngửi để đoán được.
– Hoàn chỉnh hơn, dùng ngửi kế: bao gồm nhiều lọ đựng những chất có mùi với các nồng độ khác nhau đã được xác định, cho bệnh nhân ngửi theo trình tự để khảo sát khả năng và ngưỡng ngửi.
– Cần kiểm tra đồng thời vị giác để xác định tổn thương phối hợp.
2. Nguyên nhân và hướng xử trí
a. Với giảm, mất ngửi
Cần phải xác định:
– Giảm, mất ngửi dẫn truyền: luôn kèm theo ngạt mũi, tắc mũi, có những tổn thương thực thể ở mũi – xoang, do mắc phải và tăng dần. Hay gặp do:
+ Các khối u như polyp, u xơ, u ác ở mũi, thoái hóa cuốn giữa.
+ Các dày, vẹo vách ngăn cao 2 bên.
+ Các sẹo dính do tổn thương, nhét bấc mũi, sau phẫu thuật, đặc biệt lưu ý ở vùng cao hốc mũi.
+ Các viêm mũi – xoang vận mạch, nhiễm khuẩn, dị ứng, đặc biệt là viêm mũi teo (trĩ mũi) bao giờ cũng gây mất ngửi.
Hướng xử trí:
+ Lấy bỏ sẹo dính, những khối u, dày vẹo vách ngăn vùng cao.
+ Đảm bảo cho mũi thông thoáng để hơi, khí lên được vùng ngửi.
+ Điều trị các viêm, bệnh tích ở mũi – xoang.
– Mất ngửi tiếp nhận: thường là triệu chứng đơn thuần, có diễn biến nhanh và đột ngột, không có tổn thương thực thể ở mũi, xoang. Hay gặp do:
+ Sau những bệnh nhiễm khuẩn lây như zona, cúm, sởi nặng, viêm não…
+ Bệnh toàn thân như suy thận, đái đường, thiểu năng tuyến giáp.
– Do những bệnh thần kinh, mạch như u não, viêm màng não,… tăng huyết áp, xơ cứng mạch, tâm thần phân liệt, trầm uất.
+ Sau chấn thương, phẫu thuật sọ não, đặc biệt là ở vùng trán, nền sọ, phẫu thuật mũi (vùng cao), xoang trán, sàng.
+ Nhiễm độc do hơi khí như Clo, CO… những chất kích thích mạnh, kéo dài như xăng, formol,… thường gặp do thuốc nhỏ mũi đông y có thuỷ ngân, lưu huỳnh.
+ Ngay sau khi sinh do mẹ bị các bệnh nhiễm khuẩn lây, nhiễm độc trong thời gian mang thai, sang chấn do làm forceps, mổ lấy thai hoặc bị ngạt thở kéo dài khi sinh.
Hướng xử trí: Khó, ít có kết quả, đặc biệt là khi đã thành mạn tính, thường cho:
+ Các loại vitamin A, B1, B12,…liều cao, kéo dài.
+ Coticoid và các thuốc chống phù nề, nhất là phù não.
+ Thuốc giãn mạch, tăng oxy não.
b. Loạn khứu
Thường là không do nguyên nhân trực tiếp ở mũi mà có liên quan đến những rối loạn về tâm thần, thần kinh và nội tiết. Hay gặp do:
+ Tổn thương nguyên uỷ ngửi sau bị chấn thương hoặc phẫu thuật nội soi vùng trán.
+ Động kinh cục bộ hay rối loạn tâm thần.
+ Rối loạn nội tiết như sau sinh nở hoặc sau phẫu thuật phụ khoa,…
Hướng xử trí:
+ Giải quyết những nguyên nhân như rối loạn tâm thần, động kinh,…
+ Điều chỉnh vận mạch não, chống phù não.
+ Vitamin liều cao.