Phẫu thuật cấy ốc tai điện tử

1. Đại cương

– Ốc tai điện tử được dùng để thay thế cơ quan Corti giảm hay mất chức năng (do tế bào lông trong và lông ngoài bị tổn thương).

– Cấy ốc tai điện tử là phương pháp phẫu thuật đặt các điện cực vào ốc tai, các điện cực này được nối với bộ xử lý trong (Transmitter) được đặt ở mặt ngoài xương thái dương. Kích thích được tạo ra từ bộ cảm biến ngoài (Audio Processor) đến các điện cực sẽ kích thích vào hạch xoắn của ốc tai tạo nên các xung động thần kinh dẫn truyền lên não, do đó não có thể nhận biết được âm thanh.

2. Chỉ định

– Trường hợp nghe kém nặng trước ngôn ngữ, đeo máy trợ thính không có hiệu quả.

– Bệnh nhân điếc trước ngôn ngữ (sức nghe chủ quan và khách quan >90 dB).

– Tuổi cấy ốc tai điện tử cho trẻ điếc trước ngôn ngữ là ≥ 12 tháng và ≤ 72 tháng.

– Trường hợp phát triển tâm sinh lý bình thường.

– Trường hợp nghe kém sau ngôn ngữ: loại tiếp nhận mức độ nặng >70 dB.

– Người bệnh điếc sau ngôn ngữ: sức nghe > 90 dB.

3. Chống chỉ định

– Những trường hợp chậm phát triển tri tuệ (cần phải cân nhắc tùy theo độ nặng nhẹ để có chỉ định phù hợp).

– Dị dạng về cấu trúc giải phẫu tai giữa, tai trong và các bộ phận kế cận (cần cân nhắc từng trường hợp cụ thể).

– Bệnh nhân viêm tai giữa cấp mủ đang tiến triển.

– Những bệnh lý có chống chỉ định phẫu thuật.

4. Các bước tiến hành

a. Vô cảm

– Thực hiện gây mê toàn thân.

– Bệnh nhân tư thế nằm ngửa, đầu nghiêng 1 bên, tai phẫu thuật quay lên trên.

– Đặt mẫu bộ cấy trong (Implant Template) lên da đầu, sau đó dùng bút màu vẽ lên da để đánh dấu.

– Tiến hành tiêm octocain (medicain) vào vị trí đường rạch da và nơi đặt bộ xử lý trong (Simulator).

b. Kỹ thuật

Thì 1:

Rạch da sau tai tùy vào loại ốc tai điện tử, bộc lộ màng xương. Rạch màng xương bộc lộ mặt xương chũm, đặt retractor bộc lộ hốc mổ.

Thì 2: tiến hành khoan bộc lộ cửa số tròn

– Dùng khoan xương mở vào sào bào ở vùng sàng Chipault, phía sau đến sát tĩnh mạch bên, phía trước là thành sau ống tai, phía trước trên thấy rõ ngành ngang xương đe, phía dưới ngang mức thành dưới ống tai.

– Thực hiện mở hòm nhĩ theo lối sau (mở ngách nhĩ):

+ Mốc giải phẫu quan trọng là ngành ngang xương đe ở trên, phía trước trên là dây thừng nhĩ, phía sau dưới là cống Fallop đoạn 3 dây thần kinh số VII. Dùng mũi khoan nhỏ tiến hành khoan phía trên của gờ xương cống Fallop, mũi khoan hướng về phía hòm nhĩ.

+ Khi khuyết xương được mở thì khoan tiếp về phía dưới bộc lộ rõ cửa sổ tròn.

Mài gờ xương quanh cửa sổ tròn cho đến tận màng cửa sổ (Soft Surgery).

Hoặc mở ốc tai (Cochleostomy): sử dụng khoan kim cương mở 1 lỗ nhỏ khoảng 0,6 – 1mm ở phía trước dưới của cửa sổ tròn, cách cửa sổ này khoảng 1mm.

Thì 3: tiến hành tạo giường để đặt bộ xử lý trong (Bed implant)

Lóc màng xương của xương thái dương và 1 phần xương đỉnh, đặt bộ cấy trong mẫu (Implant Template) lên mặt xương và đánh dấu vị trí bằng mũi khoan kim cương hoặc xanh Methylen lên mặt xương.

Sử dụng khoan và khoan xương theo hình mẫu đã đánh dấu, độ sâu khoảng 3mm, có loại khoan hết xương cho đến tận màng cứng (Hires 90K).

Đặt bộ cấy trong (Implant Template) xem đã vừa với giường xương chưa.

Khoan một rãnh ở trên mặt xương để đặt dây điện cực.

Bơm rửa hốc mổ cho sạch bột xương và hút sạch.

Thì 4: tiến hành đặt điện cực ốc tai:

+ Đặt thiết bị cấy (Transmitter) vào giường xương đã được khoan sẵn.

+ Sau đó mở màng cửa sổ tròn (hoặc màng vòng đáy ốc tai trong phẫu thuật Cochleostomy).

+ Luồn dây điện cực qua cửa sổ tròn hoặc vòng đáy, đẩy dây điện cực cho vào ốc tai cho đến khi toàn bộ các điện cực nằm hoàn toàn trong ốc tai.

+ Cố định dây điện cực tại điểm luồn vào ốc tai bằng 1 mảnh cân cơ nhỏ, hoặc bằng keo sinh học.

+ Đo trở kháng điện cực, đo sự đáp ứng của các điện cực (ART), đo phản xạ gân cơ bàn đạp (tùy vào loại ốc tai điện tử).

Thì 5: tiến hành đóng hốc mổ

– Thực hiện khâu vết mổ: đóng màng xương, đóng hai mép vạt cân cơ thái dương để phủ lên thân điện cực, khâu da 2 lớp rồi băng ép.

5. Theo dõi

– Chụp X quang tư thế Stenver, hoặc kỹ thuật chụp riêng để biết chắc chắn là điện cực ốc tai đã đặt đúng vào ốc tai.

– Dùng kháng sinh đường tiêm trong 7 ngày, các thuốc giảm đau và chống phù nề.

– Kết nối thiết bị xử lý ngoài sau phẫu thuật 4 tuần, tái khám theo lịch hẹn.

6. Tai biến và xử lý

a. Tụ máu dưới da

Do cầm máu không kỹ hoặc do chảy máu thứ phát.

– Xử lý: nếu máu tụ ít thì băng ép, nếu tụ máu nhiều thì phẫu thuật lại vết mổ cầm máu.

– Tiên lượng: tiến triển tốt.

b. Liệt dây thần kinh VII

Do phù nề.

– Xử lý: dùng thuốc chống phù nề.

– Tiên lượng: hồi phục sau 3 đến 6 tháng.

c. Chóng mặt

Do kích thích tiền đình hoặc là khoan vào vịn tiền đình.

– Xử lý: dùng thuốc tăng cường tuần hoàn tai trong.

– Tiên lượng: tiến triển khá.

d. Nhiễm trùng vết mổ

– Xử lý: Dùng kháng sinh liều cao.

– Diễn biến: có thể viêm màng não.

– Tiên lượng: dè dặt, có trường hợp phải lấy điện cực ra.

đ. Rò dịch não tuỷ

Do bất thường ở giải phẫu ốc tai.

– Xử lý: sử dụng keo sinh học, mô cơ bít đường rò.

– Tiên lượng: trường hợp này có tiên lượng dè dặt.

7. Hướng dẫn người nhà bệnh nhân sử dụng thiết bị

a. Hướng dẫn gia đình và người bệnh cách sử dụng máy

– Cách lắp pin và cách bật tắt máy.

– Cách kiểm tra xem máy có hoạt động hay không.

– Cách chỉnh các chế độ, chọn chương trình cho phù hợp, cách đặt máy.

b. Hướng dẫn gia đình và người bệnh cách bảo quản máy

– Dùng pin đúng loại, khi không dùng thì phải tháo pin ra và đặt bộ phận xử lý lời vào hộp có viên chống ẩm.

– Không để bị rơi, không để bị ẩm ướt.

– Khi đi tắm, đi ngủ nên tháo cất bộ phận xử lý lời.

– Không chơi những môn thể thao vận động mạnh.

– Khi đi máy bay thì phải trình thẻ chứng nhận cấy điện cực ốc tai.

c. Hướng dẫn gia đình và người bệnh cách luyện nghe tại nhà

– Ngoài giao tiếp bình thường, mỗi ngày người bệnh nên có 1 – 2 giờ luyện nghe.

– Khi luyện nghe có 2 phần dạy cho bệnh nhân biết âm.

– Tập phân biệt các âm đơn giản nhưng khác biệt nhau.

d. Sau cấy ốc tai điện tử phải theo một lớp phục hồi chức năng ngôn ngữ

– Thời gian học 1- 2 năm.

– Mỗi tuần học 1- 2 buổi.

– Mỗi buổi học 45 phút.

– Với trẻ nhỏ thì luôn luôn phải có người trực tiếp dạy trẻ ở nhà theo học cùng (Bố, mẹ, bà…).

CẦN NHỚ

– Phải chỉ định đúng.

– Khi mở ngách nhĩ phải luôn luôn lấy ngành ngang xương đe làm mốc, khi khoan thì luôn đưa mũi khoan di chuyển song song với đoạn 3 dây thần kinh số VII.

– Chỉ được rạch màng cửa sổ tròn hoặc màng đáy khi đã đặt bộ cấy trong (Transmitter) đúng vị trí.

– Tiến hành luồn dây điện cực vào cửa sổ tròn hoặc màng đáy chậm, trong khoảng 2 phút.

This Post Has One Comment

Trả lời