Điếc trẻ em

Điếc trẻ em có tầm quan trọng, cần phải được quan tâm đặc biệt vì không chỉ khu trú trong sức nghe mà còn gây nên những biến đổi, những hậu quả nghiêm trọng về sự phát triển ngôn ngữ, tư duy và những rối loạn về nhân cách của trẻ.

Nếu trẻ bị điếc nặng, đặc biệt là trẻ bé dưới 2, 3 tuổi, do không tiếp nhận được các tín hiệu âm thanh thì sẽ không biết nói, được gọi là điếc – câm.

Với trẻ bị điếc – câm nếu không được chăm sóc, giáo huấn đặc biệt sẽ bị tách rời khỏi đời sống xã hội.

1. Nguyên nhân

Thường được xếp làm 3 loại chính:

a. Bẩm sinh

Do những nguyên nhân trước khi sinh như:

– Di truyền hay nhiễu loạn về gen.

– Mắc bệnh trong thời gian mang thai (cúm, sởi, giang mai…).

– Nhiễm độc trong thời gian mang thai do thuốc, hoá chất (Streptomycin, CO…).

– Do đối kháng Rh giữa mẹ – con.

b. Khi đẻ

– Do đẻ non, đẻ khó, đẻ ngạt.

– Sang chấn khi sinh đẻ, làm forcep lấy thai.

c. Mắc phải

Do những nguyên nhân sau khi sinh:

– Do các nhiễm khuẩn, nhiễm virus như viêm não, viêm màng não, quai bị, sởi…

– Mắc các bệnh viêm tai – xương chũm.

– Nhiễm độc do sử dụng thuốc, đặc biệt lưu ý đến streptomycin.

2. Chẩn đoán

Chẩn đoán bệnh điếc trẻ em khá phức tạp, không chỉ được coi là một chương riêng, chuyên ngành sâu trong Thính học mà nhiều khi cần phải kết hợp với các chuyên khoa khác như nhi, thần kinh,… mới đạt kết quả. Nhìn chung, để chẩn đoán bệnh thì có 3 yêu cầu cần thực hiện:

a. Phát hiện sớm

Việc phát hiện sớm rất quan trọng, giúp cho việc đề ra phương hướng điều trị, phục hồi hay giáo huấn sớm để có hiệu quả cho trẻ bị giảm hoặc mất chức năng nghe.

– Đối với trẻ sơ sinh: phát hiện khả năng nghe dựa trên cơ sở phản xạ nghe – cử động trong ngày đầu mới được sinh ra là biện pháp đơn giản và hiệu quả nhất.

Có thể sử dụng các dụng cụ đơn giản như chuông, còi, não bạt… đã được chuẩn hóa hoặc máy thử thính lực đơn giản cho trẻ nhỏ, nếu trẻ nghe được thì sẽ có những phản xạ như co giật, cử động tay chân, khóc, chớp mắt… tuỳ vào tình trạng phản ứng của cơ thể và mức cường độ âm thanh tiếp nhận được. Cần làm ngay ngày thứ nhất đến ngày thứ 3 sau đẻ, khi trẻ còn ở trong buồng sơ sinh vì mức độ nhậy cảm với âm thanh cao; kết quả có giá trị khi lặp lại thử nghiệm vẫn cho cùng 1 phản xạ.

– Đối với trẻ từ vài tháng đến 1 tuổi: nếu chức năng nghe bình thường thì trẻ sẽ chú ý, nhìn, quay đầu theo hướng tiếng của các đồ chơi như lục lạc, chuông… Khi nghe những tiếng quá to như tiếng sấm, còi ô tô… trẻ sẽ giật mình, thức giấc, khóc. Chú ý khi gây tiếng động cần phải che dấu để loại trừ ảnh hưởng của nhìn.

– Đối với trẻ từ 1 đến 2, 3 năm tuổi: trẻ đã biết nói theo, nói được các từ thông thường như bà, mẹ, ăn… vốn từ nói được phong phú dần, tiến tới nói các câu đơn giản. Nếu chức năng nghe giảm hoặc mất thì thường thể hiện trẻ chậm nói, nói ngọng lâu hoặc không nói được, cần phân biệt trẻ vẫn phát được các nguyên âm như a, e, u… Trẻ không phản ứng khi người lớn gọi, hỏi, hay chỉ đáp ứng trước các tiếng, âm thanh có cường độ lớn.

– Đối với trẻ trên 3 tuổi: bị giảm hoặc mất nghe ngoài những ảnh hưởng đến nói ngày càng rõ rệt như nói quá ngọng, chỉ nói được một số nguyên âm hay phụ âm nào đó (do nghe kém) hoặc không biết nói (do điếc); đã có những thể hiện trong cuộc sống như chậm chạp, lãnh đạm, không tham gia các sinh hoạt tập thể, không muốn trò chuyện, tiếp xúc với người khác, chăm chú nhìn mồm người đối thoại, dễ cáu, nổi khùng, phản ứng quá khích…

Nói chung, đến tuổi này nếu trẻ bị điếc hoặc nghe kém nặng, với sự chú ý của gia đình thì sẽ tự phát hiện được.

b. Chẩn đoán xác định

Nhằm đánh giá mức độ nghe kém, ngay trong các trường hợp điếc – câm cũng phải xác định xem có tần số nào còn nghe được 1 phần để làm cơ sở xây dựng kế hoạch phục hồi, giáo huấn.

Nếu trẻ còn nhỏ thì thường dùng máy đo thính lực đơn giản cho trẻ nhỏ (với vài tần số chính, ở mấy mức cường độ lớn).

Với trẻ lớn hơn, đã tiếp xúc được thì có thể đo thính lực chủ quan với máy Peep Show (pip -sô) theo nguyên tắc phối hợp phát tín hiệu âm với sử dụng những đồ chơi như cho tàu hoả chạy, phát hình chiếu, lấy đồ chơi, tạo sự tập trung, chú ý của trẻ để phát hiện tín hiệu âm khi nghe được. Phương pháp này đòi hỏi phải có kinh nghiệm, kiên trì và cũng cần làm nhiều lần để so sánh thì mới cho được kết quả tương đối chính xác.

Đo thính lực khách quan, đặc biệt với điện ốc tai (ghi luồng điện phát sinh ở ốc tai khi tiếp nhận được kích thích âm) đem lại kết quả khá cụ thể, chính xác nhưng đòi hỏi phương tiện, kỹ thuật phức tạp, tốn kém.

c. Chẩn đoán nguyên nhân

Việc xác định nguyên nhân sẽ giúp nhiều cho việc đề ra biện pháp thích hợp; tuy nhiên trên thực tế, trong điều kiện, phương tiện hiện nay, có rất nhiều trường hợp không thể xác định được cụ thể, trừ những trường hợp do tổn thương ở tai ngoài hoặc tai giữa.

Trước 1 trẻ nghe kém hay điếc, cần phải xác định do bẩm sinh (trước khi đẻ) hay do mắc phải; khám tai, xương chũm tỉ mỉ, chu đáo, phối hợp với những chuyên khoa khác như sản, nhi, thần kinh… để hy vọng tìm được nguyên nhân.

3. Xử trí

Đối với trẻ điếc, căn cứ trên kết quả, thời gian phát hiện (năm, tháng tuổi đời của trẻ), mức độ xác định: nghe kém, điếc hay điếc đặc; tùy theo từng trường hợp đề ra biện pháp thích hợp nhằm:

a. Phục hồi chức năng nghe

Đây là nhiệm vụ của thầy thuốc Tai Mũi Họng.

– Cần được phát hiện và thực hiện phục hồi chức năng cho trẻ càng sớm càng tốt.

– Chủ yếu là xác định mức độ nghe kém để đề ra biện pháp thích hợp, chú ý cần thực hiện càng sớm càng tốt.

Nếu nghe kém mức độ vừa thì có thể sử dụng máy trợ thính, cần lưu ý phát hiện vùng tần số còn nghe khá để sử dụng cho phù hợp; thực hiện việc dùng máy trợ thính sớm ngay khi phát hiện. Nếu nghe kém nặng, điếc, điếc câm thì nên cấy điện cực ốc tai.

– Với trường hợp nghe kém truyền âm, có tổn thương tai giữa, xương chũm hoặc tai ngoài, do mắc phải hay bẩm sinh đều phải được xử lý sớm, tích cực để tránh chức năng nghe bị suy giảm thêm, tránh hay giảm bớt ảnh hưởng rối loạn về phát triển ngôn ngữ, tư duy, giao tiếp…

– Với các trường hợp nghe kém tiếp âm do tổn thương ở loa đạo, thần kinh não… nói chung chưa có biện pháp đặc hiệu, việc điều trị bằng vitamin A, D, nhóm B liều cao hoặc phối hợp với các thuốc giãn, điều hoả mạch tai trong, não đôi khi có thể đem lại kết quả.

– Tập luyện, kích thích cơ quan với những tiếng có cường độ cao hơn ngưỡng nghe, ở các âm tần còn nghe được hay với máy trợ thính thích hợp từ sớm, kiên trì, thường xuyên là biện pháp cần thiết.

Lưu ý biện pháp này thường chỉ mang lại kết quả khi có sự phối hợp, hỗ trợ tích cực của gia đình; do đó phải hướng dẫn, giải thích, bàn bạc với gia đình từng trẻ để đạt hiệu quả.

b. Giáo huấn trẻ điếc – câm

Đây là vấn đề có tính xã hội, đòi hỏi sự tham gia của nhiều ngành như Y tế, Giáo dục, Xã hội… cũng như lòng nhiệt tình, tự nguyện, sự phối hợp chặt chẽ của các thầy thuốc TMH, các nhà sư phạm, tâm lý, xã hội học,…

Nhiều nước trên thế giới từ lâu đã có sự bảo trợ của nhà nước, các tổ chức nhân đạo, từ thiện để tổ chức các trường, lớp đặc biệt cho trẻ điếc – câm nhằm:

– Giáo huấn để giúp trẻ có khả năng giao tiếp xã hội và phát triển tư duy, tâm lý qua dạy nghe – nói, sử dụng phối hợp với những giác quan khác như sờ, nhìn, tín hiệu ngón tay, mặt,… qua dạy học, đọc, viết, văn hóa.

– Dạy nghề thích hợp với khả năng của trẻ để sau này trẻ có thể tham gia vào cuộc sống xã hội.

CẦN NHỚ

– Nguyên nhân trẻ bị Câm chủ yếu là do bị Điếc.

– Trẻ bị điếc sẽ dẫn đến các hậu quả rất nghiêm trọng, sẽ bị gạt ra ngoài cuộc sống xã hội.

– Streptomycin là nguyên nhân thường gặp gây điếc ở trẻ.

Trả lời