Điếc đột ngột

1. Đại cương

Điếc đột ngột thường được hiểu là một điếc thần kinh giác quan xảy ra đột ngột trên các bệnh nhân không có tiền sử suy giảm sức nghe.

Điếc đột ngột là 1 cấp cứu tai mũi họng nhưng ít được quan tâm vì bệnh thường không gây suy yếu thể lực hoặc đe dọa tính mạng người bệnh. Bệnh có thể diễn biến trong vòng vài giờ đến vài ngày, thường từ 24 giờ đến 72 giờ. Mức độ điếc và tính chất rất khác nhau, điếc có thể xảy ra ở 1 bên tai hoặc cả 2 tai, suy giảm sức nghe xảy ra trên 3 tần số liên tiếp, với mức độ từ nghe kém nhẹ đến điếc nặng hoàn toàn không nghe thấy gì. Tiến triển đôi lúc có thể trở lại bình thường hoặc gần bình thường nhưng đa số là điếc không hồi phục nếu không được điều trị kịp thời.

2. Dịch tễ học

Tỷ lệ mắc bệnh: theo Van Dishoech và Bierman thì tỷ lệ dân bị điếc đột ngột hàng năm là 1/5000, tuy nhiên các tác giả khác lại cho rằng tỷ lệ này còn xa tỷ lệ mắc bệnh thực sự vì cả một số lớn bệnh nhân không được phát hiện và một số bệnh nhân khác thì tự hồi phục mà chưa cần điều trị gì.

Tỷ lệ mắc bệnh theo giới: không có sự khác biệt rõ rệt về tỷ lệ mắc bệnh giữa nam giới và nữ giới. Theo nghiên cứu của PGS. TS. Lương Hồng Châu và CS (2005- 2006) thì nữ giới chiếm 44%, nam giới chiếm 56%.

Bệnh điếc đột ngột thường xảy ra ở 1 bên tai, tỷ lệ bị cả 2 tai từ 4 – 17% theo nghiên cứu của Sheehy 1960, Van Disoech 1957, Jaffe 1967.

Bệnh hay gặp vào mùa Đông và Đông Xuân hơn các mùa khác trong năm.

3. Nguyên nhân gây bệnh

Việc tìm nguyên nhân chính xác gây ra bệnh điếc đột ngột nhiều khi rất khó khăn và còn gây ra nhiều tranh luận. Tuy nhiên các tác giả đã đề cập tới 1 số nguyên nhân hoặc các yếu tố thuận lợi như: đái tháo đường, nghiện rượu, tình trạng mệt mỏi, stress, bệnh tim mạch, mang thai… Một số nguyên nhân được biết đến đó là:

– Nguyên nhân do siêu vi trùng: đầu tiên phải kể đến là virus gây quai bị, sởi, zona, cúm. Nhiều công trình nghiên cứu đã chứng minh được tác nhân gây bệnh điếc đột ngột của virus quai bị, người ta thống kê thấy trong những vụ dịch quai bị nhiều người bệnh bị điếc đột ngột, đặc biệt cần lưu ý đến những bệnh nhân bị nhiễm virus quai bị nhưng không có biểu hiện lâm sàng của viêm tuyến mang tai mà chỉ biểu hiện của điếc đột ngột. Từ năm 1959 Lyppy và cộng sự, năm 1960 Linsay và cộng sự đã nghiên cứu và mô tả tổn thương xương chũm ở những người bệnh bị điếc đột ngột cả 2 tai sau khi bị quai bị. Tổn thương hay gặp nhất là tổn thương dải vân mạch, màng mái, cơ quan Corti, tổn thương này có thể kéo dài từ đỉnh ốc tai tới tận vòng đáy của ốc tai. Vai trò của virus sởi cũng được nghiên cứu và chứng minh rõ ràng từ những năm 1954, từ những nghiên cứu của Linsay và Hemenway. Năm 1957, Van Dishock và Bierman cũng đã nghiên cứu vai trò gây ra bệnh điếc đột ngột của virus cúm. Năm 1964 Gregg và Shaeferr, năm 1967 Jafe và Maassab, năm 1963 Van Dishoeck cũng đã nghiên cứu vai trò gây ra điếc đột ngột của virus gây bệnh dại và adenovirus typ 3.

Các tác giả đặc biệt lưu ý tới tình trạng nhiễm khuẩn đường hô hấp trên cấp tính, có tới 25% bệnh nhân có thể bị điếc đột ngột, nguyên nhân có thể do viêm nhiễm mê nhĩ – nội dịch do virus.

– Nguyên nhân do tiếng ồn: Nếu là điếc gây ra do tiếp xúc với tiếng ồn trong một thời gian dài thì bệnh diễn ra từ từ, bệnh nhân khó nhận biết, người bệnh sẽ nghe kém dần dần. Còn nếu là điếc đột ngột do tiếng ồn thì xảy ra ngay lập tức sau khi nghe tiếng ổn, 1 âm thanh quá to trong 1 khoảnh khắc hoặc 1 khoảng thời gian nhất định.

– Sự thay đổi áp lực đột ngột: về mặt lý thuyết thì những thay đổi áp lực sẽ có thể gây rách màng Reissner và gây điếc tức thì. Năm 1968 Simmon đã báo cáo 15 bệnh nhân bị điếc đột ngột, trong đó có 8 bệnh nhân được xác định là có thay đổi áp lực tai trong trong khi vận động quá mạnh như cúi gập người, ho mạnh, hắt hơi mạnh, vùng dậy khỏi giường đột ngột, làm nghiệm pháp Valsalva, lặn sâu,… Từ năm 1981 đến 1983, Gussen đã nghiên cứu giải phẫu bệnh trên xương thái dương của 3 trường hợp bị điếc đột ngột đều thấy có rách màng Reissner, trong đó 1 trường hợp bị điếc đột ngột cả 2 tai thì cả 2 tai đều có rách màng Reissner.

– U dây thần kinh số VIII: từ năm 1976 Shâi và Sheehy đã nghiên cứu và công bố rằng trên 1220 bệnh nhân bị điếc đột ngột thì có 1% số bệnh nhân cuối cùng được phát hiện có u dây thần kinh số VIII. Năm 1985 Pensak và cộng sự, năm 1986 Berg và cộng sự đã thống kê và công bố rằng 15% bệnh nhân bị u dây thần kinh số VIII thì triệu chứng đầu tiên là điếc đột ngột.

– Rò ngoại dịch: nhiều tác giả đã nghiên cứu và thấy những tác nhân gây rò ngoại dịch như chấn thương ốc tai, chấn thương khí áp,… có thể dẫn tới điếc đột ngột.

– Các nguyên nhân mạch máu: các nguyên nhân thường được kể đến là huyết khối, xuất huyết tai trong, co thắt mạch máu, quá kết dính, lắng cặn… của mạch là những nguyên nhân hay gặp.

– Điếc tự miễn: từ năm 1979 Mc Cabe đã công bố rằng những ca lâm sàng bị điếc tiếp nhận không đối xứng ở 2 tai, khởi phát và diễn biến xấu đi trong vòng vài tuần và có vài trường hợp kèm theo cả liệt mặt ngoại biên, những bệnh nhân này đã được xét nghiệm miễn dịch và chẩn đoán điếc tự miễn dịch.

4. Các triệu chứng lâm sàng

– Nghe kém: triệu chứng nghe kém có thể xảy ra đột ngột, tức thì hoặc diễn biến trong vòng 1 giờ, 1 ngày hoặc vài ngày. Nghe kém cả 2 tai thường được phát hiện ngay vì giao tiếp bị trở ngại, nhưng điếc 1 bên tai hay gặp hơn, những bệnh nhân này thường đến khá muộn, bệnh chỉ được phát hiện tình cờ khi nghe điện thoại, nghe đồng hồ,…

– Ù tai: 70- 90% bệnh nhân điếc đột ngột có kèm theo triệu chứng ù tai. Bệnh nhân thường ù tai như ve kêu, như tiếng xay lúa hoặc ù tai như còi tàu, nhiều khi ù tai là triệu chứng đầu tiên làm người bệnh khó chịu và phát hiện ra điếc. Ù tai có thể kéo dài trong vòng 1 tháng, tuy nhiên có một vài trường hợp ù tai tồn tại lâu dài, kể cả khi sức nghe đã được hồi phục.

– Chóng mặt: 20- 40% có triệu chứng chóng mặt, 10% có biểu hiện chóng mặt thoáng qua, chếnh choáng. Chóng mặt có thể từ 4 đến 7 ngày, cũng có trường hợp có thể kéo dài vài tuần. Nôn và buồn nôn cũng thường xảy ra nếu bệnh nhân chóng mặt nặng. Chóng mặt thường gặp ở những bệnh nhân bị nhiễm siêu vi, tăng huyết áp, trên bệnh nhân Ménierè và đây là 1 triệu chứng báo hiệu tiên lượng bệnh khó hồi phục. Sau điều trị bệnh nhân sẽ hết chóng mặt, sức nghe có thể được hồi phục nhưng thường là không hoàn toàn.

– Các triệu chứng khác: bệnh nhân thường thấy cảm giác nặng đầu, không phải là cơn đau rõ rệt. Sốt thường gặp ở những bệnh nhân bị viêm đường hô hấp trên cấp tính, cảm cúm,…

5. Triệu chứng cận lâm sàng

– Thính lực đồ: đo thính lực đồ đơn âm phát hiện điếc với nhiều mức độ và các dạng điếc khác nhau, các tác giả thường phân làm 4 loại như sau:

– Nghe kém tần số thấp là chính: thính lực đồ có dạng đi lên, tiến triển và tiên lượng bệnh thường tốt.

– Nghe kém đều cả tần số thấp và cao: thính lực đồ có dạng nằm ngang, tiến triển và tiên lượng bệnh không tốt bằng typ 1.

– Nghe kém tần số cao là chính: thính lực đồ có dạng đi xuống, tiến triển và tiên lượng bệnh không tốt lắm.

– Điếc hoàn toàn hay điếc sâu: thường tiên lượng xấu, trường hợp này nếu không được điều trị kịp thời thì không có xu hướng tự khỏi. Nếu được điều trị kịp thời thì có một vài trường hợp bệnh khỏi hoàn toàn.

– Đo chức năng vòi nhĩ: loại trừ viêm tai tiết dịch, cần đánh giá sự biến đổi áp lực dịch tai trong.

– X-quang: chụp CT scan, MRI tìm các bệnh lý của xương chũm, các khối u dây thần kinh số VIII, VII, u góc cầu tiểu não…

– Các thăm khám tổng thể: huyết áp, mạch, mắt, chuyên khoa tim mạch, nội tiết, các xét nghiệm cholesterol, lipid toàn phần, nghiên cứu về đông máu… để phát hiện bệnh lý toàn thân kèm theo, đôi khi là căn nguyên gây ra điếc đột ngột.

6. Phác đồ điều trị

– Nhóm thuốc chống co thắt vi mạch.

– Thuốc tăng cường tuần hoàn não và Vitamin nhóm B.

– Nhóm corticoid dùng tiêm tĩnh mạch.

– Thuốc chống dị ứng, kháng histamine.

– Thuốc kháng sinh và chống viêm (nếu cần).

– Tăng cường oxy, bệnh nhân hạn chế vận động, tránh tiếng ổn.

– Thực hiện tiêm corticoid hòm nhĩ.

Kết quả điều trị giữa nhóm bệnh nhân được điều trị sớm và bệnh nhân điều trị muộn có sự khác biệt rất lớn, điều này cho thấy việc chẩn đoán và điều trị kịp thời có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với kết quả điều trị.

7. Kết luận

Điếc đột ngột thực sự là một cấp cứu Tai Mũi Họng, nếu chẩn đoán và điều trị sớm thì sức nghe có thể hồi phục hoàn toàn, nhưng nếu để muộn thì sẽ để lại di chứng điếc vĩnh viễn.

Cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tác hại của điếc đột ngột để mọi người nhận thức và tự phát hiện bệnh, sớm đến các cơ sở y tế điều trị.

Cán bộ y tế tuyến cơ sở cũng phải được phổ biến và nhận thức đầy đủ đây là 1 cấp cứu chuyên khoa tai mũi họng, cần có thái độ xử trí đúng đắn khi điều trị cho người bệnh.

Trả lời